Trọng tâm lý thuyết Ôn tập phần tiếng Việt lớp 6 học kì 1 - Ngữ văn 6
Tài liệu tổng hợp Ngữ pháp Ngữ văn lớp 6 hk1 ngắn gọn, chi tiết nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng ôn luyện và nắm vững kiến thức trọng tâm môn Ngữ Văn lớp 6 hk1, từ đó đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ Văn lớp 6 sắp tới.
Phần Tiếng Việt
1 .Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy):
- Từ đơn: là từ gồm có 1 tiếng.
- Từ phức: là từ gồm 2 tiếng trở lên. Từ phức gồm từ ghép và từ láy:
- Từ ghép là những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.
- Từ láy là những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng.
2. Thành ngữ:
- Thành ngữ: là 1 tập hợp từ cố định, quen dùng.
- Nghĩa của thành ngữ là nghĩa của cả tập hợp từ, thường có tính hình tượng và biểu cảm.
3. Trạng ngữ:
- Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, giúp xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích… của sự việc nêu trong câu.
- Phân loại: trạng ngữ chỉ thời gian, trạng ngữ chỉ nơi chốn, trạng ngữ chỉ nguyên nhân, trạng ngữ chỉ mục đích…
4. Lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản:
- Cách lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản:
- Xác định nội dung cần diễn đạt.
- Huy động các từ đồng nghĩa, gần nghĩa rồi lựa chọn từ ngữ có khả năng diễn đạt chính xác nhất nội dung muốn thể hiện.
- Chú ý khả năng kết hợp hài hòa giữa từ ngữ được chọn với những từ ngữ sử dụng trước và sau nó trong câu (đoạn) văn.
- Tác dụng: giúp diễn đạt chính xác và hiệu quả điều mà người nói (viết) muốn thể hiện.
5. Ẩn dụ, hoán dụ:
- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
6. Cụm từ, cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ
- Cụm từ: Trong câu tiếng Việt, thành phần chính gồm có chủ ngữ (C) và vị ngữ (V).
- Chủ ngữ và vị ngữ của câu có thể chỉ là một từ (Ví dụ: Gà gáy, Hoa nở) nhưng cũng có thể là một cụm từ.
- Cụm từ có hai từ trở lên kết hợp với nhau nhưng chưa tạo thành câu, trong đó có một từ (danh từ/động từ/tính từ) đóng vai trò là thành phần trung tâm, các từ còn lại bổ sung ý nghĩa cho thành phần trung tâm.
- Cụm từ đóng vai trò chủ ngữ và vị ngữ trong câu thường có những loại như:
- Cụm danh từ có danh từ làm thành phần chính. Ví dụ: hai cái răng đen nhánh.
- Cụm động từ có động từ làm thành phần chính. Ví dụ: thường dẫn tôi ra vườn.
- Cụm tính từ có tính từ làm thành phần chính. Ví dụ: rất chăm chỉ.
- Cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ:
- Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ một từ thành một cụm từ, có thể là cụm danh từ, cụm động từ hoặc cụm tính từ..
- Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ cụm từ có thông tin đơn giản thành cụm từ có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn.
- Có thể mở rộng chủ ngữ hoặc vị ngữ, hoặc mở rộng cả chủ ngữ lẫn vị ngữ của câu.
=> Việc mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ làm cho thông tin của câu trở nên chi tiết, rõ ràng.
Phần văn bản
1. Truyền thuyết
- Khái niệm văn bản truyền thuyết: là loại truyện kể dân gian, thường kể về sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Thể hiện nhận thức, tình cảm của tác giả dân gian đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử.
- Nhân vật truyền thuyết:
- Thường có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh.
- Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng.
- Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.
- Cốt truyện truyền thuyết:
- Thường xoay quanh công trạng, kì ích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.
- Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật.
- Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại.
- Yếu tố kì ảo trong truyền thuyết:
- Là những chi tiết, hình ảnh kì lạ, hoang đường, là sản phẩm của trí tưởng tượng và nghệ thuật hư cấu dân gian.
- Thường được sử dụng khi cần thể hiện sức mạnh của nhân vật truyền thuyết, phép thuật của thần linh.
- Thể hiện nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử.
2. Truyện cổ tích
- Khái niệm: là loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về 1 xã hội công bằng tốt đẹp.
- Cốt truyện cổ tích: thường có yếu tố hoang đường, kì ảo, mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa” và kết thúc có hậu.
- Cách kể: các sự kiện trong truyện cổ tích thường được kể theo trình tự thời gian.
- Kiểu nhân vật truyện cổ tích: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh… Với phẩm chất được thể hiện qua hành động cụ thể.
3. Thơ lục bát
- Khái niệm: là thể thơ có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. 1 cặp câu lục bát gồm 1 dòng 6 tiếng (dòng lục) và 1 dòng thơ 8 tiếng (dòng bát).
- Cách gieo vần: tiếng thứ 6 của dòng lục vần với tiếng thứ 6 của dòng bát; tiếng thứ 8 của dòng bát vần với tiếng thứ 6 của dòng lục tiếp theo.
- Cách ngắt nhịp: thường ngắt nhịp chẵn như 2/2/2, 2/4/2, 4/4…
4. Truyện đồng thoại
Truyện đồng thoại là thể loại văn học dành cho thiếu nhi. Nhân vật trong truyện đồng thoại thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân hóa. Vì thế, chúng vừa phản ánh đặc điểm sinh hoạt của loài vật, vừa thể hiện đặc điểm của con người.
5. Kí
- Kí là thể loại văn học coi trọng sự thật và những trải nghiệm, chứng kiến của chính người viết. Trong kí, có những tác phẩm thiên về kể sự việc như hồi kí, du kí… có những tác phẩm thiên về biểu cảm như tùy bút, tản văn.
- Hồi kí chủ yếu kể lại những sự việc mà người viết đã từng tham dự hoặc chứng kiến trong quá khứ. Các sự việc trong hồi kí thường được kể theo trình tự thời gian, gắn với một hoặc nhiều giai đoạn trong cuộc đời của tác giả.
- Du kí chủ yếu kể về những sự việc mới diễn ra hoặc đang diễn ra với các chặng đường trong hành trình tìm hiểu những vùng đất nước kì thú của Việt Nam và thế giới.
- Nhân vật xưng “tôi” trong du kí là hình ảnh của tác giả.
- Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí (thường xưng “tôi”, “chúng tôi”) mang hình bóng của tác giả, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tác giả. Bởi vì giữa tác giả và người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí luôn có những khoảng cách về tuổi tác, thời gian hay những khác biệt trong nhận thức, quan niệm…
- Hình thức ghi chép và cách kể sự việc trong hồi kí: “ghi chép” hiểu theo cách thông thường, là việc chuẩn bị nguồn tư liệu về những điều có thật, đã xảy ra để viết nên tác phẩm. Tư liệu “ghi chép” để viết hồi kí phải đảm bảo độ xác thực, tin cậy. Nhưng “ghi chép”, hiểu cách khác cũng chính là viết, kể, sáng tác. Theo nghĩa này, người viết hồi kí không bê nguyên cái có thật, từng xảy ra ngoài đời vào văn bản mà phải ghi sao cho thành chuyện và kể sao cho hấp dẫn, sâu sắc.
Kết luận
Trên đây là tổng hợp các ngữ pháp Ngữ văn 6 hk1, Các bạn có thể tham khảo và ôn tập cho các kỳ thi sắp tới. Hy vọng rằng bài viết này của Điểm 10+ sẽ hữu ích đối với bạn.
Tham khảo KHÓA HỌC NGỮ VĂN LỚP 6: Tại đây