Trọng tâm lý thuyết Ôn tập phần tiếng Việt lớp 11 học kì 1 PHẦN CUỐI - Ngữ văn 11

Tài liệu tổng hợp Ngữ pháp Ngữ văn lớp 11 hk1 ngắn gọn, chi tiết nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng ôn luyện và nắm vững kiến thức trọng tâm môn Ngữ Văn lớp 11 hk1, từ đó đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ Văn lớp 11 sắp tới.


PHẦN TIẾNG VIỆT

Ngữ cảnh

1. Khái niệm

  • Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ mà ở đó một yếu tố ngôn ngữ được sử dụng hoặc được tạo ra trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, đồng thời người nghe (người đọc) dựa vào bối cảnh đó mà lĩnh hội được lời nói, câu văn.

2. Các nhân tố của ngữ cảnh

a. Nhân vật giao tiếp

  • Gồm người nói/ người nghe; người viết/ người đọc.
  • Mỗi nhân vật giao tiếp đều có những đặc điểm về nhiều mặt: lứa tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, cá tính, địa vị xã hội, quan hệ xã hội, địa phương sinh sống...
  • Những đặc điểm này luôn luôn chi phối lời nói của cá nhân, và chi phối việc lĩnh hội lời nói của người khác.

b. Bối cảnh ngoài ngôn ngữ

  • Bối cảnh giao tiếp rộng: đó là bối cảnh xã hội, lịch sử, địa lí, tập quán, phong tục, thể chế chính trị,... ở bên ngoài ngôn ngữ. Những yếu tố đó tạo nên môi trường giao tiếp, chi phối cả người nói và người nghe, cả quá trình tạo lập và quá trình lĩnh hội lời nói câu văn.
  • Bối cảnh giao tiếp hẹp: Đó là thời gian, địa điểm cụ thể, tình huống giao tiếp cụ thể.
  • Hiện thực được nói tới: Tạo nên đề tài nghĩa sự việc cho câu nói. Đối với từ ngữ, hiện thực được nói tới tạo nên phần nghĩa biểu vật, là cơ sở cho việc qui chiếu của từ ngữ.

c. Văn cảnh

  • Bao gồm các yếu tố ngôn ngữ cùng có mặt trong văn bản, đi trước hoặc đi sau một ngôn ngữ nào đó. 
  • Văn cảnh có ở dạng ngôn ngữ viết và dạng ngôn ngữ nói, cả ở văn bản đơn thoại và văn bản đối thoại.

3. Vai trò của ngữ cảnh

Ngữ cảnh đóng vai trò quan trọng ở hai phương diện:

  • Đối với người nói (người viết) và quá trình sản sinh lời nói, câu văn: Ngữ cảnh chính là môi trường sản sinh ra lời nói, câu văn
  • Đối với người nghe (người đọc) và quá trình lĩnh hội lời nói, câu văn: Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích,... của lời nói, câu văn.

Phong cách ngôn ngữ báo chí 

1. Khái quát về phong cách báo chí

a. Khái niệm: Là kiểu diễn đạt dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông đại chúng báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, internet…như tin tức, phóng sự, bình luận, tiểu phẩm, diễn đàn, thông tin quảng cáo…

b. Đặc điểm: tính thông tin sự kiện; tính ngắn gọn; tính hấp dẫn.

2. Cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ báo chí

a) Ngữ âm – chữ viết: Người nói phát âm chuẩn, đọc rõ ràng, tôn trọng người nghe; Người viết viết đúng quy cách.

b) Từ ngữ: Dùng vốn từ toàn dân, đa phong cách, tuỳ thuộc nội dung bài viết có thể dùng các vốn từ chuyên môn của các ngành.

c) Ngữ pháp: Câu văn rõ ràng, chính xác; thường dùng một số khuôn mẫu cú pháp nhất định.

d) Biện pháp tu từ: Sử dụng phù hợp với từng thể loại.

e) Bố cục trình bày: Rõ ràng, hợp lôgic, dễ tiếp thu. Một số thể loại có bố cục tương đối ổn định.

3. Tìm hiểu một số thể loại ngôn ngữ báo chí.

Bản tin Phóng sự Tiểu phẩm
Thường có các yếu tố: thời gian, địa điểm, sự kiện để cung cấp chính xác những tin tức cho người đọc. Thực chất cũng là bản tin, được mở rộng phần tường thuật chi tiết, sự kiện, và miêu tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ, chi tiết, sinh động về vấn đề Tương đối tự do về đề tài, cách viết, ngôn ngữ…và thường mang dấu ấn cá nhân người viết. Nó bộc lộ chính kiến của người viết.

4. Nhận xét chung về văn bản báo chí và ngôn ngữ báo chí.

Báo chí có nhiều thể loại. Tồn tại ở hai dạng chính: dạng nói và dạng viết. Ngoài ra còn có báo hình.

5. Các phương tiện diễn đạt và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ báo chí

a. Các phương tiện diễn đạt

- Về từ vựng

Rất phong phú, ở mỗi phạm vi phản ánh, mỗi thể loại báo chí có một lớp từ dành riêng

  • Tin tức: sử dụng danh từ riêng
  • Phóng sự: sử dụng nhiều từ chỉ hình ảnh có trong đời sống hoặc ở một địa phương nhất định
  • Bình luận thời sự: dùng nhiều từ ngữ có sắc thái chính trị
  • Tiểu phẩm: sử dụng ngôn ngữ nhân vật

- Về ngữ pháp

  • Câu văn trong ngôn ngữ báo chí thường ngắn gọn, rõ ràng, sáng sủa, đảm bảo thông tin chính xác
  • Câu ngắn trong tin vấn, câu dài trong bình luận, nhưng cũng có câu ngắn với lời nói hằng ngày trong tiểu thuyết.

- Về các biện pháp tu từ

Sử dụng từ ngữ thể hiện sự so sánh, liên tưởng, ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ, sử dụng câu ngắn kết hợp với câu dài...

  • Ở dạng nói, ngôn ngữ báo chí đòi hỏi phát âm rõ ràng, chuẩn mực
  • Ở dạng viết, chú ý cỡ chữ, kiểu chữ, màu sắc và hình ảnh

b. Đặc trưng của ngôn ngữ báo chí

- Tính thông tin thời sự

  • Luôn cung cấp thông tin mới nhất hàng ngày trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội (thời gian, địa điểm, đối tượng, sự việc diễn ra....)
  • Các thông tin phải đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy

- Tính ngắn gọn

  • Lời văn báo phải ngắn gọn, lượng thông tin cao. Tiêu biểu là tin vắn, tin nhanh, tin quảng cáo. Phóng sự, bình luận có thể viết dài, song không quá chiều dài ba trang báo. Báo dài thường có tóm tắt in đậm ở đầu đề.

- Tính sinh động, hấp dẫn

  • Thể hiện nội dung thông tin mới mẻ, cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, và khả năng kích thích sự suy nghĩ, tìm tòi của bạn đọc
  • Thể hiện ở cách đặt tiêu đề cho bài báo.

Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu 

- Cùng một câu, nếu ở trạng thái tồn tại riêng thì có nhiều khả năng sắp xếp trật tự từ. Nhưng tùy theo ngữ cảnh hay văn bản mà có cách sắp xếp tối ưu. Do đó, khi phân tích, cần so sánh, đối chiếu để nhận ra tác dụng của mỗi cách sắp xếp, nhất là cách sắp xếp phù hợp nhất với mục đích và nhiệm vụ thông báo của câu, với sự liên kết giữa các câu.

- Nếu sắp xếp trật tự từ không đúng sẽ dẫn đến câu văn mơ hồ về nghĩa, tối nghĩa hoặc vô nghĩa.

- Vấn đề trật tự sắp xếp các bộ phận trong câu liên quan đến cả câu đơn và câu ghép. Trong câu ghép, cần chú ý trật tự sắp xếp các vế câu và việc dùng các quan hệ từ ở các vế câu.


Bản tin

- Bản tin là một thể loại văn học báo chí nhằm thông tin một cách chân thực, kịp thời những sự kiện thời sự có ý nghĩa trong đời sống.

- Trước khi viết tin cần khai thác, lựa chọn sự kiện có ý nghĩa cụ thể, chính xác.

- Tiêu đề và phần mở đầu của bản tin thường nêu trực tiếp, chứa đựng những thông tin khái quát quan trọng nhất. Phần sau có thể chi tiết hóa, giải thích nguyên nhân hoặc kết quả, tường thuật chi tiết sự kiện.


Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

- Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là một cuộc hỏi – đáp có mục đích, nhằm thu thập hoặc cung cấp thông tin về một chủ đề được quan tâm.

- Người phỏng vấn, từ khi chuẩn bị đến lúc tiến hành và trình bày két quả phỏng vấn, cần tìm những cách thức hữu hiệu để khai thác được nhiều nhất các thông tin chân thực, đặc sắc về chủ đề được nói.

- Người trả lời phỏng vấn cần cung cấp đầy đủ những thông tin trung thực, phù hợp với chủ đề phỏng vấn. Câu trả lời phải rõ ràng và cố gắng được trình bày sao cho hấp dẫn.

- Trong quá trình phỏng vấn, cả người hỏi và người trả lời đều phải giữ thái độ lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau.


Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản

1. Sự giống và khác nhau giữa cách thành phần: chủ ngữ trong câu bị động, khởi ngữ và trạng ngữ chỉ tình huống

a. Giống nhau

  • Thành phần chủ ngữ trong câu bị động, thành phần khởi ngữ và thành phần trạng ngữ chỉ tình huống đều chiếm vị trí ở đầu câu
  • Đều thường thể hiện thông tin đã biết từ những câu đi trước trong văn bản, hay thể hiện một nội dung dễ dàng liên tưởng từ những câu đi trước, hoặc một thông tin không quan trọng
  • Việc sử dụng những kiểu câu trên có tác dụng liên kết ý, tạo mạch lạc trong văn bản

b. Khác nhau

Chủ ngữ trong câu bị động

  • Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hoạt động của người, vật khác hướng vào (chỉ đối tượng của hoạt động)

Khởi ngữ:

  • Khởi ngữ là thành phần câu nêu lên đề tài của câu.
  • Luôn đứng đầu câu
  • Tách biệt với phần còn lại của câu bằng từ: thì, là, hoặc dấu phẩy
  • Trước khởi ngữ có thể có hư từ: còn, về, đối, với...

Trạng ngữ chỉ tình huống

  • Trạng ngữ được thêm vào câu để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu
  • Trạng ngữ có thể đứng đầu câu, cuối câu hoặc giữa câu.

Kết luận

Trên đây là tổng hợp các ngữ pháp Ngữ văn 11 hk1, Các bạn có thể tham khảo và ôn tập cho các kỳ thi sắp tới. Hy vọng rằng bài viết này của Điểm 10+ sẽ hữu ích đối với bạn.


Tham khảo KHÓA HỌC NGỮ VĂN LỚP 11: Tại đây

Form đăng ký tư vấn

Gọi ngay

Zalo

Facebook