Giảm áp lực học tập cho học sinh lớp 1
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với học sinh lớp 1. Sau hơn một tháng triển khai việc dạy và học theo sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, bên cạnh những phản hồi tích cực thì dư luận cũng đang có những phản ứng khác nhau về các bộ sách, đặc biệt là SGK Tiếng Việt.
Với học sinh lớp 1, việc học tập nếu quá tải sẽ gây ra những hệ lụy gì? Làm sao để có thể bồi đắp cho trẻ những phẩm chất, năng lực cốt lõi của thế hệ công dân toàn cầu nhưng không quá nặng nề khiến trẻ “sợ” học? Phụ huynh cần phối hợp ra sao với giáo viên, phải đồng hành cùng con như thế nào để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Việt Anh, chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công xung quanh vấn đề này.
PV: Vào lớp 1 là bước đệm quan trọng do trẻ phải chuyển đổi môi trường từ chơi sang học. Chương trình SGK Tiếng Việt lớp 1 nếu quá nặng sẽ khiến trẻ không theo kịp dẫn đến chán học. Điều này sẽ gây ra hệ lụy gì, thưa ông?
TS. Vũ Việt Anh: Từ mầm non sang tiểu học là giai đoạn chuyển tiếp hết sức quan trọng đối với trẻ, trẻ đang từ môi trường chủ yếu là học, chơi tự do sang việc học có kỷ luật, đúng giờ giấc và học có định hướng nên khá vất vả. Mọi năm, các con có trọn vẹn tháng 8 để làm quen và thích nghi. Năm nay, đầu tháng 9, khai giảng xong các con mới bắt đầu vào học. Việc giáo viên vừa rèn nền nếp, vừa chạy chương trình SGK mới khá áp lực cũng kéo theo áp lực lên các con. Khi trẻ bị áp lực sẽ dẫn tới căng thẳng.
Trong khi đó, theo cơ chế hoạt động của bộ não, trẻ bị áp lực, khả năng tiếp thu sẽ bị hạn chế. Trong giai đoạn này, phụ huynh cần hết sức kiên nhẫn, kiên trì, không gây áp lực thêm cho con bởi sau 1 tháng, các con thích nghi với môi trường mới, phương pháp học tập mới đã tốt rồi. Bố mẹ cũng không nên quá kỳ vọng bởi học tập là 1 quá trình lâu dài, trong tháng đầu nếu con chưa theo được, cũng không nên quá sốt ruột.
Điều quan trọng là cha mẹ hướng dẫn con thích nghi dần với cái mới, tạo cho con sự hứng thú để con phát triển. Cha mẹ nên động viên, khuyến khích con, không nên dùng các biện pháp tiêu cực để giáo dục con. Các hình phạt hà khắc như quát mắng, so sánh... sẽ làm con sợ hãi việc học tập mà không phát triển được tư duy và trí tuệ. Có 4 câu hỏi mà tôi thường khuyên phụ huynh hỏi con trong giai đoạn này là mỗi khi đi học về, cha mẹ nên hỏi con ngày hôm nay học được cái mới, điều gì vui, có gì hay, tâm đắc, con làm được việc gì tốt?
Điều này sẽ giúp con có định hướng tích cực, sàng lọc những thông tin hay, giải quyết được yêu cầu mà trẻ cần đạt được trong giai đoạn này là hình thành các thói quen tốt.
PV: Nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng, SGK Tiếng Việt lớp 1 mới có tiết tấu khá nhanh ở phần đầu, chỉ phù hợp với trẻ đã biết mặt chữ hoặc đã được học trước. Trong khi đó, từ trước đến nay cơ quan chuyên môn lại khuyến cáo không dạy chữ trước cho trẻ mầm non. Có gì mâu thuẫn ở đây không, thưa ông?
TS Vũ Việt Anh: Đổi mới về chương trình SGK, về góc độ chuyên môn đã được các chuyên gia trong lĩnh vực này nghiên cứu kỹ để làm sao có thể đáp ứng với khả năng của trẻ. Tuy nhiên, cũng cần một khoảng thời gian nhất định để tất cả, từ phụ huynh, học sinh đến thầy cô có thể bắt nhịp với chương trình SGK mới… Quan điểm của tôi là không nên cho trẻ học chữ trước từ bậc mầm non vì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả thể chất và tinh thần của trẻ.
Thực tế cho thấy, ngoài trí thông minh về học tập, con người còn có 9 loại trí thông minh khác. Do đó, cần có sự phân bổ thời gian hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm hồn. Nếu chúng ta chỉ cố nhồi nhét mỗi trí thông minh học tập, các loại khác không có, ra đời các con sẽ gặp khó khăn. Chương trình SGK mới chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực của học sinh. Trong đó, năng lực học tập chỉ là 1 trong 10 năng lực mà học sinh cần phải có. Nếu phụ huynh quá gây áp lực cho con mình về việc học tập sẽ làm cho trẻ dễ phát triển lệch, khó hòa nhập với công dân thời đại mới.
PV: Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa có yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1. Trong bối cảnh GSK Tiếng Việt lớp 1 được đánh giá là khá nặng, nhiều phụ huynh cho rằng, điều này sẽ khiến các con phải học thêm mới đáp ứng được với chương trình. Lo ngại liệu có cơ sở không, thưa ông?
TS Vũ Việt Anh: Tôi vẫn thường nói vui rằng, chưa bao giờ việc làm cha, làm mẹ lại trở nên dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Ở bậc tiểu học nói chung, lớp 1 nói riêng, phụ huynh cần chủ động hơn trong việc phối hợp với thầy cô, không phải chỉ đợi thầy cô giao bài tập về nhà thì mới làm mà phải đồng hành cùng con, kèm cặp và xem con tiến bộ mỗi ngày.
Cha mẹ cũng không nên vì quá áp lực về điểm số, thành tích học tập mà ép con phải học thêm. Tôi hay hướng dẫn cho phụ huynh nguyên tắc “Cây bút xanh”. Khi con làm đúng, viết đẹp thì dùng bút xanh để khoanh vùng nhằm khích lệ, động viên con. Như vậy, thay vì có thói quen chỉ tập trung tìm ra những điểm sai, xấu của con để phê bình, nhắc nhở, điều chỉnh con theo sự kỳ vọng của mình thì cha mẹ hãy tạo lập, định hướng cho con những hình mẫu đúng, tốt đẹp để con có thể theo. Điều này không chỉ giúp con nhanh tiến bộ mà việc kèm cặp con học cũng sẽ giảm đi rất nhiều áp lực, căng thẳng.
PV: Trẻ lớp 1 ở các nước mà ông biết học tập thế nào? Có vất vả như ở Việt Nam không?
TS Vũ Việt Anh: Đổi mới chương trình SGK mới nói chung, SGK lớp 1 mới đã bám khá sát với trình độ của học sinh các nước theo định hướng công dân toàn cầu. Tại một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ chẳng hạn, học sinh lớp 1 cũng học 7 môn và các hoạt động giáo dục tương đương như chúng ta. Do khác biệt về yêu cầu giáo dục và cách tiếp cận là bố mẹ, thầy cô ở các nước không quá gây áp lực (dù khối lượng học cũng khá nhiều) nên trẻ con được học, chơi, phát triển đúng với năng lực.
PV: Việc đưa truyện ngụ ngôn vào bài đọc trong SGK của học sinh lớp 1 liệu có phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ ở độ tuổi này không, thưa ông?
TS Vũ Việt Anh: Việc đưa truyện ngụ ngôn vào bài đọc trong SGK của học sinh cần được cân nhắc kỹ bởi nếu đưa nguyên xi, sẽ không đủ dung lượng. Còn nếu tóm tắt hay mô phỏng lại nội dung cốt truyện có thể làm sai lệnh bản chất, làm méo mó tác phẩm so với nguyên bản. Tuy nhiên, có thể do nhận thấy ở Việt Nam đang thiếu về ngôn ngữ triết học nên các tác giả viết SGK đưa truyện ngụ ngôn vào để trẻ phát triển tư duy sớm. Tư duy có nhiều loại gồm tư duy logic, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện nên ở một góc độ nào đó, truyện ngụ ngôn cũng có thể giúp trẻ có góc nhìn đa chiều hơn.
PV: Trong khi phụ huynh “chê” SGK Tiếng Việt nặng, chuyên gia lại “phê” phụ huynh thiếu kiên nhẫn trong việc dạy con. Theo ông, cần bao nhiêu thời gian để có thể đánh giá về chương trình SGK lớp 1 mới?
TS Vũ Việt Anh: Để đánh giá đúng về chương trình SGK lớp 1 nói chung, SGK Tiếng Việt nói riêng cần phải có Hội đồng chuyên môn. Tuy nhiên, nếu đưa ra đánh giá chỉ sau 1 tháng triển khai là có phần hơi vội. Mặc dù vậy, với những góp ý trách nhiệm, có cơ sở từ phụ huynh, giáo viên từ thực tế triển khai chương trình SGK mới, các nhà chuyên môn cũng cần phải biết lắng nghe. Không nên quá tự tin vào chuyên môn, biết lắng nghe để điều chỉnh phù hợp cũng là điều cần có ở các nhà chuyên môn và người làm quản lý giáo dục.
PV: Theo ông, cha mẹ và giáo viên cần phối hợp thế nào để dạy học sinh lớp 1 hiệu quả và không gây “xung đột”?
TS Vũ Việt Anh: Về chuyên môn, theo tôi cha mẹ học sinh nên tin và tôn trọng giáo viên. Vì giáo viên mới là người được trang bị đầy đủ về kỹ năng sư phạm, tâm sinh lý, hành vi lứa tuổi. Mặt khác giáo viên cũng gắn bó với trẻ hàng ngày, hàng giờ trên lớp. Do đó họ hoàn toàn có thể thấu hiểu và đưa ra những ý kiến đóng góp, phương pháp giáo dục phù hợp. Phụ huynh chỉ nên đóng vai trò phối hợp trong việc tiếp cận cá tính, tính cách của con để có cách thức động viên khích lệ kịp thời, cách tiếp cận phù hợp nhất với con mình.
Có nhiều bạn trẻ cần phải có kỷ luật nghiêm khắc thì mới làm theo trong khi đó có bạn thì chỉ cần khen ngợi, khích lệ là đã có thể làm tốt những yêu cầu của thầy cô, bố mẹ đưa ra. Nhưng ngược lại một số bạn phải dùng các phương pháp thách thức, thi đua thì trẻ mới có động lực để học tập.
PV: Mới đây, có ý kiến đề xuất nên cấm đưa tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học vào trong nhà trường. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS Vũ Việt Anh: Theo tôi, việc dùng từ “cấm” đối với tất cả các loại sách tham khảo là có phần hơi áp đặt, cực đoạn và nặng nề. Bởi lẽ cơ chế thị trường cho phép các chủ thể được cung cấp tất cả các sản phẩm, dịch vụ mà pháp luật không cấm. Vấn đề đặt ra ở đây chính là phải minh bạch, rạch ròi giữa SGK và sách tham khảo để phụ huynh hiểu, nắm rõ và chủ động lựa chọn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng hãy là khách hàng thông minh, chỉ nên mua những thứ mà con mình thật sự cần, không nên vì những áp lực từ phía nhà trường hay giáo viên mà ép mình phải mua những loại sách không cần thiết, vừa tốn kém, lãng phí, vừa tạo thêm áp lực không cần thiết cho con.
PV: Theo ông làm thế nào để hạn chế vấn nạn dạy thêm - học thêm đang biến tướng, trá hình ở bậc tiểu học để giảm áp lực cho học sinh?
TS Vũ Việt Anh: Cốt lõi của việc dạy thêm, học thêm vẫn là căn bệnh thành tích. Giáo viên dạy thêm vì sợ không đảm bảo thành tích, phụ huynh cho con học thêm vì quá kỳ vọng vào kết quả, thành tích học tập của con. Giải quyết vấn nạn dạy thêm - học thêm không thể thực hiện được trong một sáng một chiều, nhất là khi quan điểm xã hội vẫn chỉ chăm chăm lấy kết quả học tập của học sinh làm thước đo mà quên mất rằng, ngoài năng lực học tập, học sinh cũng cần phát triển đồng đều cả 9 loại năng lực khác.
PV: Thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ chương trình SGK, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho đến sĩ số học sinh trong 1 lớp học. Theo ông, các yếu tố này cần được cải thiện như thế nào để việc triển khai chương trình mới đạt hiệu quả?
TS. Vũ Việt Anh: Việc quá tải trường lớp, quá tải sỹ số học sinh trong một lớp học tại các thành phố lớn, nơi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học nói chung, việc triển khai chương trình SGK mới nói riêng. Để giảm tải sỹ số học sinh trong lớp học cần sự nỗ lực không chỉ ngành giáo dục mà cần sự quan tâm, vào cuộc từ Chính phủ, các Bộ ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương. Đối với đội ngũ giáo viên, song song với yêu cầu phải đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng chương trình mới cũng cần có cơ chế đãi ngộ phù hợp để giáo viên có thể sống được với nghề.
Tại các nước phát triển, giáo viên mầm non, tiểu học được trả lương cao nhất, mỗi lớp chỉ có khoảng 25 học sinh trong khi đó giáo viên cấp học này tại Việt Nam ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn phải ôm rất nhiều công việc không tên khác. Do vậy, tôi mong rằng giáo viên cần được giảm áp lực về giáo án, về sổ sách, về tài chính, về thành tích… để có thể dồn toàn tâm, toàn lực cho đổi mới giáo dục.