Dạy học sinh lớn khôn
Khi thấy học trò lớp 5 không biết cách cầm chổi để quét gọn những mảnh giấy rớt xuống sàn lớp học vì 'con chưa bao giờ quét nhà' hay 'nhà con có người giúp việc'..., cô Trương Hồ Trâm Anh (TP.HCM) nghĩ phải làm một việc gì đó để giúp học trò lớn khôn.
Cô Trương Hồ Trâm Anh với học sinh tham gia dự án “Con đã lớn”
ẢNH: BẢO CHÂU
Thế là dự án “Con đã lớn” ra đời
Cô Trâm Anh, trước đây là giáo viên Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) nay là Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phùng Hưng (Q.11, TP.HCM) xây dựng dự án bằng cách tích hợp kiến thức liên môn đạo đức, kỹ thuật, kỹ năng sống... để học sinh được học, rèn luyện và trải nghiệm.
Mục đích xây dựng dự án được cô Trâm Anh chia sẻ rất cụ thể: “Xuất phát từ thực tế học sinh rất hạn chế làm việc nhà, nhiều gia đình quá chăm bẵm trẻ, không tạo cơ hội cho trẻ tham gia các công việc phụ giúp gia đình. Thông qua các hoạt động, giáo viên vừa dạy được kiến thức môn kỹ thuật, lại vừa có thể giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm bằng cách chia sẻ công việc, có trách nhiệm với công việc”.
Các hoạt động dự án định hướng cho học sinh hiểu được giá trị của tự phục vụ, tự lập từ đó thay đổi thái độ, ý thức về chia sẻ công việc với gia đình và người xung quanh. Sau đó, cô Trâm Anh lên kế hoạch hướng dẫn học trò làm một số việc nhà, trải nghiệm tuần lễ tự phục vụ. Điều đặc biệt, dự án còn có sự phối hợp, hỗ trợ từ phụ huynh.
“Hãy cho trẻ tự tay làm các việc như lau nhà, dọn dẹp phòng ngủ, góc học tập, dọn bàn ăn, nấu cơm, luộc rau…”, cô Trâm Anh nói.
Trải qua thời gian tham gia dự án, từ cậu học trò quen được chiều chuộng, Âu Tuấn Kiệt cho biết: “Con đã hiểu công việc ngày thường mẹ phải làm cực nhọc như thế nào! Con hứa sẽ dành thời gian phụ giúp mẹ nhiều hơn nữa”.
Còn phụ huynh Nguyễn Loan thì xúc động khi chứng kiến sự thay đổi của con: “Nghe con khoe từ nay không sợ đói khi mẹ vắng nhà. Mẹ cứ mua sẵn đồ ăn, con sẽ tự nấu cho con và anh hai, lòng tôi vui lắm!”.
Dự án đã giúp học trò Trường tiểu học Lạc Long Quân thay đổi về nhận thức, là cơ hội vun đắp kỹ năng sống cho bản thân, không những lan tỏa trong toàn quận mà còn khiến giáo viên ở TP.HCM và nhiều địa phương khác cùng học hỏi thực hiện.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, từng nhận xét: “Con đã lớn” đã làm thay đổi nhận thức của giáo viên, cô không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn bổ sung cho trò kỹ năng. Bên cạnh đó, khiến phụ huynh hiểu rằng con mình cần phải khôn lớn. Đặc biệt, chính học trò thấy rằng mình cần trang bị kỹ năng cho chính mình và biết quan tâm đến người thân”.
Theo: thanhnien.vn